Chăm sóc sức khỏe khi mang thai không chỉ bảo đảm an toàn cho người phụ nữ mà còn giúp em bé được phát triển khỏe mạnh. Một lối sống lành mạnh và tuân thủ lịch hẹn khám thai là nguyên tắc cơ bản trong chăm sóc sức khỏe khi mang thai.
1. Khám thai
Mỗi phụ nữ mang thai phải được quản lý thai và khám thai ít nhất 4 lần trong thai kỳ (1 lần trong 3 tháng đầu, 1 lần trong 3 tháng giữa, 2 lần trong 3 tháng cuối).
- Khám lần 1: Ngay khi nghi ngờ có thai (chậm kinh) để biết chính xác là có thai hay không, thai có nằm trong tử cung hay không, thai có gì bất thường ở giai đoạn đầu hay không và phát hiện sớm các bệnh lý ở mẹ (nếu có) để được gửi lên tuyến trên.
- Khám lần 2: Khi thai được 3 – 6 tháng, để theo dõi sự phát triển của thai, xác định sức khỏe của mẹ có đảm bảo cho thai phát triển tốt hay không? Nếu có các dấu hiệu nguy hiểm thì có kế hoạch theo dõi và điều trị sớm. Được hướng dẫn thêm về vệ sinh ăn uống và nghỉ ngơi.
- Khám thai lần 3, 4: vào 3 tháng cuối để theo dõi sự phát triển của thai, ngôi thai thuận hay không thuận; ước lượng cân nặng của thai; phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm; chọn nơi đẻ an toàn, được cán bộ y tế hướng dẫn về nuôi con bằng sữa mẹ, cách chăm sóc, cho con bú và chuẩn bị cuộc đẻ an toàn.
2. Tiêm phòng
- Uốn ván có thể xảy ra ở cả mẹ và con. Tiêm phòng uốn ván để bảo vệ cả mẹ và con không bị uốn ván.
- Đối với những bà mẹ mang thai lần đầu phải tiêm đầy đủ 2 mũi uốn ván mới giúp mẹ và con phòng uốn ván sau khi đẻ.
3. Dinh dưỡng phù hợp
Ăn đầy đủ và cân đối 4 nhóm chất dinh dưỡng:
- Chất bột: gạo, ngô, khoai, sắn…
- Chất đạm động vật như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, ốc,... Ngoài ra cần bổ sung chất đạm và dầu thực vật từ các loại đậu, đỗ, lạc, vừng…
- Chất béo: dầu, mỡ, lạc, vừng,… vừa có vai trò cung cấp năng lượng, vừa hòa tan các vitamin A, D, E, K cần thiết cho cả mẹ và con, giúp xây dựng các tế bào trong cơ thể, đặc biệt là tế bào thần kinh.
- Vitamin, chất khoáng và chất xơ: các loại rau, đặc biệt là các loại rau có màu đậm như rau mồng tơi, rau dền, rau muống, rau ngót, rau cải xoong; các loại củ, quả có màu vàng, đỏ như chuối, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, cam, xoài… và các loại động vật như tôm, cua, ốc, …
- Lượng thức ăn tăng ít nhất 1/4 (tăng số bữa ăn và số lượng cơm, thức ăn trong mỗi bữa).
- Uống ít nhất 02 lít nước mỗi ngày (sữa + nước hoa quả + nước lọc) cho đến hết thời kỳ cho con bú.
Những điều cần lưu ý
- Không ăn kiêng.
- Không uống rượu, bia, cà phê, nước chè đặc…
- Không hút thuốc lá, thuốc lào.
- Giảm ăn các gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi.
- Giảm ăn các gia vị mặn như muối, nước mắm, xì dầu, bột canh, hạt nêm… và các thực phẩm mặn như dưa muối, cà muối, mỳ tôm, cá kho… để phòng tránh phù và tai biến khi sinh.
- Không uống thuốc nếu không có chỉ định của thầy thuốc.
- Tránh táo bón bằng chế độ ăn hợp lý, không nên dùng thuốc chống táo bón.
4. Bổ sung vi chất dinh dưỡng
- Sắt, a xít folic: Trong thời kỳ mang thai nhu cầu sắt, a xít folic tăng rất cao so với bình thường. Thiếu máu, thiếu sắt trong giai đoạn mang thai ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, tăng nguy cơ sinh non, nhiễm khuẩn, băng huyết sau đẻ, sảy thai, đẻ con nhẹ cân, …
Cách bổ sung sắt, a xít folic:
+ Ăn thực phẩm giàu sắt, a xít folic như thịt lợn nạc, thịt bò, thịt trâu, gan, trứng, nghêu, sò, ốc, hến, giá đỗ, đậu, rau có màu đậm như rau dền đỏ, rau muống, rau ngót…
+ Uống viên sắt, a xít folic hoặc viên đa vi chất hàng ngày theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
- I ốt: I ốt đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển trí não của trẻ. Trẻ thiếu i ốt ngay từ trong bụng mẹ sẽ có nguy cơ chậm phát triển trí tuệ, đần độn.
Cách bổ sung i ốt: Sử dụng muối i ốt, bột canh i ốt, nước mắm i ốt để chế biến thức ăn. Chú ý không ăn mặn.
- Can xi: Can xi đóng vai trò quan trọng, giúp hình thành xương và răng của thai nhi. Trong thời kỳ mang thai nhu cầu can xi của người phụ nữ tăng cao hơn bình thường. Thiếu can xi bà mẹ sẽ mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, chuột rút, thậm chí có thể co giật do hạ can xi quá mức. Thai nhi bị thiếu can xi sẽ dễ mắc các bệnh về xương như còi xương, biến dạng xương, chất lượng răng kém…
Cách bổ sung can xi:
+ Ăn thực phẩm giàu can xi như: tôm, tép, cua, cá nhỏ…
+ Bổ sung can xi hàng ngày theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
5. Theo dõi cân nặng trong thời kỳ mang thai
Theo dõi cân nặng trong thời kỳ mang thai giữ vai trò quan trọng giúp người mẹ biết được sự phát triển của thai nhi để có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Mức tăng cân phù hợp trong thời kỳ mang thai phụ thuộc vào cân nặng của người phụ nữ trước khi có thai.
- Phụ nữ có cân nặng bình thường: cần tăng từ 10-12 kg (3 tháng đầu tăng 1 kg; 3 tháng giữa tăng 4-5 kg; 3 tháng cuối tăng 5-6 kg).
- Phụ nữ gầy: cần tăng từ 13 -18 kg.
- Phụ nữ thừa cân: cần tăng từ 7 – 11 kg.
- Phụ nữ béo phì: cần tăng từ 5 – 9 kg.
6. Chế độ làm việc, nghỉ ngơi
Khi có thai, bà mẹ cần lao động và nghỉ ngơi hợp lý, lao động vừa phải, vừa sức. Nếu thấy nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, đau ngực thì cần đi khám kiểm tra xem có bất thường do thai nghén hay không.
- Tập thể dục nhẹ nhàng, đi bộ từ 15-20 phút mỗi ngày.
- Phòng ở cần thoáng đãng, sạch sẽ, không khí trong lành không có khói bếp, khói thuốc lá, thuốc lào.
- Mỗi ngày ngủ ít nhất 8 tiếng. Nên ngủ trưa từ 30 phút đến 60 phút/buổi. Không thức khuya, dậy sớm. Không làm việc ban đêm.
- Hạn chế quan hệ tình dục và chọn tư thế thích hợp.
7. Vệ sinh cá nhân:
- Thường xuyên tắm rửa, thay giặt quần áo, vệ sinh đầu vú hàng ngày bằng khăn vải mềm. Không vê đầu vú.
- Tắm ở nơi kín gió, không nên tắm lâu.
- Khi có thai nên tránh đi xa. Nếu bắt buộc phải đi nên chọn phương tiện an toàn, êm và ít xóc nhất.
- Tránh tiếp xúc với người bị ốm, sốt do bất kỳ nguyên nhân gì để tránh lây bệnh truyền nhiễm.
8. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời.
Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai